Thiện nguyện hiệu quả là dự án nhằm tìm ra những cách tốt nhất để giúp đỡ người khác và thực thi các giải pháp đó.
Đây vừa là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm xác định các vấn đề cấp thiết nhất của thế giới và các giải pháp tốt nhất, cũng là một cộng đồng thực thi sử dụng kết quả nghiên cứu để làm việc thiện.
Dự án này thực sự quan trọng vì: trong khi nhiều nỗ lực làm việc thiện đã thất bại, một số khác lại đem hiệu quả rất lớn. Ví dụ, một số tổ chức từ thiện có thể giúp đỡ được gấp 100 lần số nhân mạng hoặc thậm chí gấp 1000 lần so với những tổ chức khác, dù được cung cấp nguồn lực như nhau.
Vì vậy, suy tính cẩn thận về các phương án tốt nhất để giúp đỡ người khác là chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa việc giải quyết những vấn đề lớn nhất trên toàn cầu.
Thiện nguyện Hiệu quả được chính thức giới thiệu bởi các học giả tại Đại học Oxford, và hiện đã lan rộng trên toàn thế giới, được thực hành bởi hàng chục ngàn người ở hơn 70 quốc gia.
Những người được truyền cảm hứng bởi Thiện nguyện Hiệu quả đang làm việc trong nhiều dự án trải dài từ viện trợ 200 triệu mùng chống muỗi, đến nghiên cứu học thuật về tương lai của AI, vận động hành lang cho các chính sách ngăn ngừa đại dịch tiếp theo.
Họ kết nối với nhau thông qua lối tư duy, chứ không phải vì giải pháp cụ thể nào cho các vấn đề toàn cầu. Họ nỗ lực tìm ra những cách làm việc thiện nguyện đặc biệt tốt, đến mức độ mà cùng một nguồn lực lại có thể đạt được kết quả hiệu quả trong dài hạn. Dưới đây là một số ví dụ về những gì họ đã làm cho đến nay, cũng như các giá trị đã kết nối họ:
Tại sao vấn đề này hệ trọng?
Những người làm thiện nguyện hiệu quả thường nỗ lực xác định các vấn đề: lớn về quy mô, có thể xử lý được, và thường bị bỏ qua một cách không chính đáng (2). Mục đích là tìm ra những lỗ hổng lớn nhất, nơi mà chỉ cần thêm một người nữa giải quyết vấn đề là đã có thể tạo tác động lớn nhất. Một vấn đề dường như khớp với các tiêu chí trên chính là ngăn ngừa đại dịch.
Các nhà nghiên cứu Thiện nguyện Hiệu quả đã lập luận vào đầu năm 2014 rằng: rất có khả năng một đại dịch lớn sẽ xảy ra trong thời chúng ta sống, vì trước đây đã có nhiều lần đại dịch suýt diễn ra trong lịch sử.
Tuy nhiên việc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo đã và đang còn rất ít so với các vấn đề toàn cầu khác. Ví dụ, nước Mỹ đầu tư khoảng 8 tỷ đô la mỗi năm để ngăn ngừa đại dịch, so với khoảng 280 tỷ đô la mỗi năm chi vào chống khủng bố trong thập kỷ qua. 3
Đề phòng các cuộc tấn công khủng bố cũng khá quan trọng. Nhưng quy mô của vấn đề đó có vẻ nhỏ hơn. Ví dụ, nếu chỉ tính về số người thiệt mạng, trong 50 năm qua, khoảng 500.000 người đã mất mạng bởi khủng bố. Nhưng chỉ riêng COVID-19 đã giết chết hơn 21 triệu người (4) – hoặc 40 triệu người chết vì HIV/AIDS. 5
Một đại dịch trong tương lai cũng có thể tệ hơn nhiều so với COVID-19: không có gì để loại trừ biến thể dễ truyền nhiễm như Omicron, nó nguy hiểm tương tự như bệnh đậu mùa. (Xem thêm về so sánh trong chú thích 4.)
Trong Thiện nguyện hiệu quả, sau khi đã xác định được một vấn đề lớn và ít được quan tâm, cộng đồng sẽ cùng nhau tìm kiếm các giải pháp có khả năng giải quyết vấn đề trên quy mô lớn, mà những người hiện đang giải quyết vấn đề đó chưa phát hiện ra.
Ví dụ về những dự án đã được triển khai
Năm 2016, Open Philanthropy – một quỹ lấy cảm hứng từ thiện nguyện hiệu quả – đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Johns Hopkins Center for Health Security (tạm dịch: Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins), một trong số ít các nhóm nghiên cứu ra cách xác định các chính sách mới tốt hơn để đối phó với đại dịch, và họ là một nhóm quan trọng trong thời ứng phó với COVID-19. 6
Khi COVID-19 bùng phát, các thành viên của cộng đồng đã thành lập 1DaySooner, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các thí nghiệm trên người (human challenge trials). Với mô hình thử nghiệm vắc-xin này, những tình nguyện viên khỏe mạnh được nhiễm bệnh một cách có kiểm soát, giúp việc thử nghiệm vắc-xin gần như là ngay lập tức. Là một trong những tổ chức duy nhất ủng hộ cho phương pháp này, 1DaySooner đã có hơn 30.000 tình nguyện viên, 7 và đóng vai trò quan trọng trong việc bắt đầu các thí nghiệm COVID-19 trên người đầu tiên trên thế giới. Mô hình này có thể được dùng lại khi chúng ta đối mặt với đại dịch tiếp theo.
Các thành viên của cộng đồng thiện nguyện hiệu quả đã giúp tạo ra Apollo Program for Biodefense (tạm dịch: chương trình Phòng Vệ Sinh Học Apollo), đề xuất chính sách trị giá hàng tỷ đô la được thiết kế để ngăn ngừa đại dịch tiếp theo.
Tại sao vấn đề này quan trọng ?
Người ta thường nói "từ thiện bắt đầu từ nơi bạn sống", nhưng với cộng đồng thiện nguyện hiệu quả, từ thiện bắt đầu ở nơi chúng ta có thể giúp đỡ nhiều nhất. Và điều đó thường có nghĩa là tập trung vào những người bị hệ thống hiện tại bỏ quên nhiều nhất – họ thường là những người ở xa chúng ta.
Hơn 700 triệu người sống dưới 1,90 đô la mỗi ngày. 8
Để so sánh, một người Mỹ ở cận ngưỡng nghèo có mức sống gấp 20 lần con số trên, và một sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp đại học trung bình sẽ có mức sống gấp 107 lần con số đó. Họ thuộc nhóm 1,3% thu nhập cao hàng đầu trên toàn thế giới. 9 (Những khoản tiền này đã được điều chỉnh với thực tế là tiền có giá trị hơn ở các nước nghèo.)
Bất bình đẳng toàn cầu đang rất nghiêm trọng. Do đó, việc chuyển tài nguyên cho những người nghèo nhất trên thế giới có thể mang lại lợi ích to lớn. Ở các nước giàu hơn như Anh hoặc , các chính phủ thường sẵn sàng chi hơn 1 triệu đô la để cứu một mạng người. 10 Việc này cũng khá đáng để làm, nhưng ở các nước nghèo nhất thế giới, chi phí cứu một mạng người thấp hơn nhiều.
GiveWell là một tổ chức thực hiện nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra các dự án phát triển kinh tế và sức khỏe hiệu quả nhất về về mặt chi phí và với nhiều bằng chứng bổ trợ. Tổ chức này phát hiện ra rằng mặc dù nhiều biện pháp viện trợ không mang lại hiệu quả cao, một số biện pháp như cung cấp mùng tẩm chất diệt côn trùng, có thể cứu sống một đứa trẻ với giá trung bình khoảng 5.500 đô la. Con số đó nhỏ hơn gấp 180 lần so với con số 1 triệu đô la cứu một mạng sống mà các chính phủ giàu hơn sẵn sàng chi. 11
Những can thiệp y tế cơ bản này rẻ và hiệu quả đến mức ngay cả những người hoài nghi về viện trợ nhất cũng đồng ý rằng chúng xứng đáng.
Ví dụ về những dự án đã được triển khai
Hơn 111.000 nhà tài trợ cá nhân đã sử dụng nghiên cứu của GiveWell để đóng góp hơn 1 tỷ đô la cho các tổ chức từ thiện được GiveWell đề xuất, như Against Malaria Foundation (Quỹ Chống Sốt Rét), quỹ đã phân phối hơn 200 triệu mùng tẩm thuốc diệt côn trùng. Nhìn chung, nỗ lực này được ước tính đã cứu được 159.000 mạng sống.12
Ngoài từ thiện, chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người nghèo nhất thế giới bằng cách kinh doanh. Wave là công ty công nghệ được thành lập bởi thành viên cộng đồng thiện nguyện hiệu quả. Wave giúp mọi người chuyển tiền tới một số quốc gia châu Phi được nhanh và rẻ hơn nhiều lần so với những dịch vụ hiện có. Dịch vụ này rất hữu ích cho những người di cư gửi tiền về cho gia đình, nó được hơn 800.000 người sử dụng ở các quốc gia như Kenya, Uganda và Senegal. Riêng ở Senegal, Wave đã tiết kiệm cho người dùng hàng trăm triệu đô phí chuyển tiền – tương đương 1% GDP của nước này.13
Tại sao lại là vấn đề này?
Giới thiện nguyện hiệu quả thường tập trung vào các vấn đề nghe có vẻ trái trực giác, ít người biết đến và thổi phồng cường điệu. Nhưng lý do là việc giải quyết các vấn đề này thường bị người khác bỏ qua (khi xem xét tất cả vấn đề cùng nhau) sẽ có tác động mạnh hơn, và những vấn đề này (theo định nghĩa) đều là những vấn đề khác thường. Một ví dụ như việc căn chỉnh AI.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng. Các hệ thống AI hàng đầu hiện có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện ngắn, giải quyết các bài toán ở cấp đại học, giải nghĩa chuyện cười, tạo hình ảnh cực kỳ chân thực từ câu lệnh và lập trình cơ bản. 14 Không việc nào trong số trên tồn tại mười năm trước.
Mục tiêu cuối cùng của các phòng thí nghiệm AI hàng đầu là phát triển AI tốt hơn con người hoặc ngang bằng trong tất cả nhiệm vụ. Tuy khó mà dự đoán tương lai công nghệ, các lập luận và khảo sát từ giới chuyên gia đang gợi ý rằng: cột mốc này có nhiều khả năng xảy ra trong thế kỷ 21. Và theo các mô hình kinh tế tiêu chuẩn, một khi trí tuệ nhân tạo tổng quát có thể hoạt động ở cấp độ con người, tiến bộ công nghệ sẽ gia tốc đột ngột đáng kể.
Kết quả là: một cuộc chuyển biến khổng lồ, có thể tác động tương tự hoặc hơn cả cuộc cách mạng công nghiệp những năm 1800. Nếu được quản lý tốt, sự chuyển đổi này có thể mang lại sự trù phú và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Ngược lại, nếu quản lý kém, sự chuyển đổi này có thể tập trung quyền lực đáng kể vào một nhóm thượng lưu thiểu số.
Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể mất quyền kiểm soát các hệ thống AI. Không thể quản trị những sinh vật có năng lực lớn hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta sẽ có ít quyền kiểm soát tương lai của mình như cách tinh tinh chẳng thể kiểm soát tương lai chúng.
Điều này có nghĩa là: vấn đề không chỉ có tác động mạnh mẽ đến thế hệ hiện tại, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các thế hệ tương lai. Điều này trở nên đặc biệt cấp bách nếu xét trên quan điểm từ chủ nghĩa dài hạn ("longtermism"), một trường phái lập luận cho rằng việc cải thiện tương lai dài hạn là một ưu tiên đạo đức hàng đầu trong thời đại chúng ta.
Làm thế nào để đảm bảo các hệ thống AI tiếp tục phát triển các giá trị của con người, ngay cả khi chúng đạt năng lực tương đương (hoặc vượt trội) so với con người, đây chính là vấn đề căn chỉnh AI. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi những tiến bộ trong ngành khoa học máy tính.
Dù căn chỉnh AI có khả năng đóng vai trò quan trọng đáng kể trong lịch sử nhân loại, lại chỉ có vài trăm nhà nghiên cứu đang làm việc trực tiếp giải quyết vấn đề này, so với hàng chục ngàn người đóng góp làm hệ thống AI mạnh mẽ hơn. 15
Rất khó để tóm tắt vấn đề này trong vài đoạn viết, chúng tôi khuyên bạn có thể đọc từ 3 bài viết sau đây, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm.
Một số ví dụ về những dự án đã được triển khai
Ưu tiên hàng đầu chính là: giải thích vấn đè này cho nhiều người biết đến. Năm 2014, cuốn sách Siêu Trí Tuệ ("Superintelligence") được xuất bản và lập luận về tầm mức quan trọng của căn chỉnh AI, và nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất của New York Times.
Một giải pháp đáng ưu tiên khác là xây dựng lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào vấn đề này. Ví dụ, nhà tiên phong hàng đầu về AI - Stuart Russell và đồng sự đã thành lập The Center for Human-Compatible AI (tạm dịch: Viện nghiên AI tương thích với con người) tại Đại học UC Berkeley, lấy cảm hứng từ Thiện nguyện hiệu quả. Viện này đặt mục tiêu nghiên cứu các mô hình phát triển AI mới, trong đó thúc đẩy và lấy các giá trị con người làm trung tâm.
Các thành viên khác trong cộng đồng thiện nguyện hiệu quả đã giúp hình thành nhóm nghiên cứu căn chỉnh AI tại các phòng thí nghiệm AI lớn như DeepMind và OpenAI, họ phác thảo các kế hoạch nghiên cứu căn chỉnh AI, trong các công trình như Concrete Problems in AI Safety (tạm dịch: Các Vấn Đề Cốt Lõi trong An Toàn AI).
Tại sao lại là vấn đề này?
Những người trong giới thiện nguyện hiệu quả thường cố gắng mở rộng vòng tròn quan tâm của mình. Họ không chỉ quan tâm những người sống ở các quốc gia xa xôi hay các thế hệ tương lai, mà còn đối với các động vật sống không phải con người.
Gần 10 tỷ động vật sống và chết trong các trang trại công nghiệp ở Mỹ mỗi năm 16. Chúng thường không thể di chuyển tự do trong toàn bộ cuộc đời, bị thiến mà không hề được gây tê.
Rất nhiều người đồng ý rằng chúng ta không nên để động vật đau đớn, nhưng đại đa số sự quan tâm chủ yếu dành cho các trung tâm cứu hộ thú cưng. Trong khi đó ở Mỹ, lượng động vật lưu chuyển qua các trang trại công nghiệp nhiều hơn khoảng 1.400 lần so với trung tâm cứu hộ. 17
Mặc dù vậy, các trung tâm cứu hộ nhận được khoảng 5 tỷ đô la mỗi năm ở Mỹ, so với chỉ 97 triệu đô la cho việc vận động chấm dứt chăn nuôi công nghiệp. 18
Ví dụ về những dự án đã được triển khai
Chiến lược đầu tiên là vận động chính sách. Open Wing Alliance đã nhận được tài trợ đáng kể từ các nhà hảo tâm được truyền cảm hứng từ Thiện nguyện hiệu quả. Liên minh cũng đã phát triển chiến dịch khuyến khích các công ty lớn cam kết ngừng mua trứng từ gà nuôi trong lồng. Đến nay, họ đã đạt hơn 2.200 cam kết và thành quả là hơn 100 triệu con gà đã không phải sống trong lồng. 19
Một chiến lược khác là tạo ra thực phẩm chứa protein thay thế. Nếu các thực phẩm protein thay thể được sản xuất rẻ hơn và ngon hơn thịt chăn nuôi công nghiệp, chúng có thể khiến nhu cầu dùng thịt chăn nuôi biến mất và chấm dứt nền chăn nuôi công nghiệp. Good Food Institute (tạm dịch: Viện Thực Phẩm Tốt) đang làm việc để phát triển ngành thực phẩm protein thay thế, giúp tạo ra công ty như Dao Foods ở Trung Quốc và Good Catch ở Mỹ. Ngoài ra, họ cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành protein thay thế (bao gồm JBS, công ty thịt lớn nhất thế giới) và được đảm bảo bằng hàng chục triệu đô la từ hỗ trợ của chính phủ. 20
Open Philanthropy là một nhà đầu tư sớm vào Impossible Foods, công ty đã tạo ra Impossible Burger – một loại burger thuần chay có vị giống thịt hơn nhiều sản phẩm thay thế khác. Hiện Impossible Burger đang được bán ở Burger King.
Tại sao lại là vấn đề này?
Những người muốn làm việc tốt thường thích trực tiếp giải quyết vấn đề, vì thường những tác động có thể thấy từ hành động của chính mình dễ động viên chính họ nhiều hơn. Nhưng điều quan trọng là thế giới trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải việc bạn làm điều đó bằng chính đôi tay của mình. Vì vậy, những người áp dụng thiện nguyện hiệu quả thường cố gắng giúp đỡ gián tiếp, bằng cách trao quyền và khuyến khích người khác.
Một ví dụ về điều này là cải thiện khả năng đưa ra quyết định. Cụ thể: nếu các tác nhân chính — chẳng hạn như chính trị gia, các nhà lãnh đạo khối tư nhân và phi chính phủ, hoặc các nhà quản lý các quỹ tài trợ — có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn, xã hội sẽ ở vị thế đối phó sẵn sàng hơn với một loạt các vấn đề toàn cầu trong tương lai, bất kể chúng là gì.
Vì vậy, nếu chúng ta có thể tìm ra những phương pháp mới, chưa được biết đến nhiều để cải thiện khả năng đưa ra quyết định tốt của các tác nhân quan trọng, đó có thể là một cách để có tác động lớn. Và dường như có một số giải pháp đầy hứa hẹn để đạt được điều này.
Một số ví dụ về những dự án đã được triển khai
Nhiều vấn đề toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do thiếu thông tin đáng tin cậy. Metaculus là một nền tảng dự đoán mà xác định các câu hỏi quan trọng (chẳng hạn như cơ hội Nga xâm lược Ukraine), tổng hợp các dự đoán được đưa ra bởi hàng trăm nhà dự đoán và rồi cân nhắc chúng dựa trên độ chính xác trong quá khứ của của các nhà dự đoán này. Metaculus đưa ra xác suất Nga xâm lược Ukraine là 47% vào giữa tháng 1 năm 2022 và 80% ngay trước cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai21 – thời điểm mà nhiều nhà bình luận, nhà báo và chuyên gia cho rằng điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra.
Global Priorities Institute tại Đại học Oxford thực hiện các nghiên cứu nền tảng về các chủ đề giao thoa giữa triết học và kinh tế học, về cách những người đưa ra quyết định quan trọng có thể xác định các vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Nó đã giúp tạo ra một lĩnh vực học thuật mới về nghiên cứu ưu tiên toàn cầu, tạo ra một chương trình nghiên cứu, xuất bản hàng chục bài báo và giúp truyền cảm hứng cho các nghiên cứu có liên quan tại Harvard, NYU, UT Austin, Yale, Princeton và các nơi khác.
Thiện nguyện hiệu quả không được xác định bởi các dự án trên, và những điều cộng đồng này tập trung vào có thể dễ dàng thay đổi. Thiện nguyện hiệu quả có thể được tạm định nghĩa với một số giá trị và nguyên tắc mà giúp cho việc tìm kiếm những cách tốt nhất để giúp đỡ người khác dễ hơn:
1. Ưu tiên: Trực giác của chúng ta về việc làm việc tốt thường không tính đến quy mô của kết quả — giúp 100 người thường khiến chúng ta cảm thấy hài lòng như giúp 1000 người. Nhưng vì một số cách làm việc tốt đạt được hiệu quả nhiều hơn đáng kể so với những cách khác, chúng ta nên luôn cố gắng sử dụng các con số để cân nhắc xem các hành động khác nhau giúp ích như thế nào. Mục tiêu là tìm ra _những cách tốt nhất_để giúp đỡ, thay vì chỉ làm cho có tác động là được.
2. Lòng vị tha không thiên vị: Việc chúng ta có quan tâm đặc biệt đến gia đình, bạn bè hoặc quốc gia của mình thường dễ dàng và nghe có vẻ hợp lý. Nhưng, khi cố gắng làm tốt nhất có thể, chúng ta nên coi trọng lợi ích của mọi người, bất kể họ sống ở đâu và khi nào. Thế nên, chúng ta cũng nên tập trung vào các nhóm bị bỏ quên nhiều nhất - và điều này cũng đồng thời có nghĩa là tập trung vào những người không có nhiều nguồn lực để bảo vệ quyền lợi của họ.
3. Rộng mở để tìm kiếm sự thật: Thay vì bó buộc mình với một vấn đề, cộng đồng hoặc cách tiếp cận cụ thể, chúng ta nên đề cao việc xét nhiều cách khác nhau để giúp đỡ và tìm kiếm những cách tốt nhất. Điều này có nghĩa là dành thời gian nghiêm túc để cân nhắc và ngẫm lại về các quan điểm của chính mình, liên tục rộng mở và tò mò với bằng chứng và lập luận mới, và sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình một cách triệt để khi cần thiết.
4. Tinh thần hợp tác: Chúng ta thường có thể đạt được nhiều hơn bằng cách làm việc cùng nhau, và làm điều này một cách hiệu quả đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về sự trung thực, liêm chính và lòng trắc ẩn. Thiện nguyện hiệu quả không có nghĩa là ủng hộ lối suy nghĩ rằng ‘mục đích biện hộ cho hành động’, mà là về việc trở thành một công dân tốt, đồng thời làm việc để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.
Chúng tôi không hoàn toàn tự tin vào những giá trị và nguyên tắc trên - nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng khá đúng, và đang bị xã hội coi thường. Bất cứ ai đang cố gắng tìm ra những cách tốt hơn để giúp đỡ người khác đều đang tham gia vào thiện nguyện hiệu quả. Điều này đúng dù họ muốn cho đi bao nhiêu thời gian hoặc tiền bạc, hay chọn vấn đề nào để tập trung vào.
Thiện nguyện hiệu quả cũng có thể được so sánh với phương pháp khoa học. Khoa học là việc sử dụng bằng chứng và lý trí để tìm kiếm sự thật – ngay cả khi kết quả không theo lẽ thường hoặc đi ngược lại truyền thống. Thiện nguyện hiệu quả là việc sử dụng bằng chứng và lý trí để tìm kiếm những cách tốt nhất để làm điều tốt.
Phương pháp khoa học có thể chỉ dựa trên những ý tưởng đơn giản (ví dụ: bạn nên kiểm tra niềm tin của mình) nhưng nó vẫn dẫn đến một bức tranh hoàn toàn khác về thế giới (ví dụ: cơ học lượng tử). Tương tự như vậy, thiện nguyện hiệu quả cũng chỉ dựa trên những ý tưởng đơn giản – rằng chúng ta nên đối xử bình đẳng với mọi người và giúp đỡ nhiều người tốt hơn là ít người – nhưng nó lại dẫn đến một góc nhìn độc đáo và không ngừng phát triển về việc làm việc tốt.
Những người quan tâm đến thiện nguyện hiệu quả thường cố gắng áp dụng các ý tưởng này trong cuộc sống của họ bằng cách:
- Chọn nghề nghiệp giúp giải quyết các vấn đề cấp bách hoặc tìm cách sử dụng các kỹ năng hiện có của họ để góp phần vào những vấn đề này, chẳng hạn như sử dụng lời khuyên từ tổ chức 80.000 Hours.
- Quyên góp cho các tổ chức từ thiện được lựa chọn cẩn thận, chẳng hạn như sử dụng nghiên cứu của GiveWell hoặc Giving What We Can.
- Thành lập các tổ chức mới giúp giải quyết các vấn đề cấp bách.
- Giúp xây dựng cộng đồng giải quyết các vấn đề cấp bách.
Xem danh sách dài hơn về các cách bạn có thể hành động.
Những việc kể trên không phải là tất cả những gì bạn có thể làm. Bạn luôn có thể áp dụng thiện nguyện hiệu quả, bất kể sự tập trung vào việc làm tốt của bạn và trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống của mình – điều quan trọng là, dù bạn muốn đóng góp bao nhiêu, những nỗ lực của bạn được thúc đẩy bởi bốn giá trị trên và bạn cố gắng làm nỗ lực của mình hiệu quả nhất có thể.
Thông thường, điều này bao gồm việc cố gắng xác định các vấn đề toàn cầu lớn và bị bỏ quên, các giải pháp hiệu quả nhất cho những vấn đề đó và cách bạn có thể đóng góp cho các giải pháp đó – với bất kỳ thời gian hoặc số lượng tiền mà bạn sẵn sàng cung cấp.
Bằng cách này và suy nghĩ cẩn thận, bạn có thể thấy rằng việc tạo tác động nhiều hơn với những tài nguyên có hạn là khả thi. Bạn thực sự có thể cứu sống hàng trăm người trong suốt sự nghiệp của mình. Và bằng cách hợp tác với những người khác trong cộng đồng, bạn có thể góp phần trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất mà nền văn minh phải đối mặt ngày nay.